ĐIỀU GÌ THEO CHÂN ĐỨC KITÔ XUỐNG TRẦN?

 Đức Giê-su cũng được nói đến như một « Adam mới ». Ngài là đấng trung gian và hoàn thành mọi mạc khải. Có thể tóm kết trong một vài câu ngắn về những gì mới mẻ đã theo chân Ngài xuống trần gian ?

Hãy nói về hình ảnh « Adam mới ». Adam trước hết ám chỉ sự khởi đầu của thực tại con người, là thuỷ tổ nhân loại. Nếu giờ đây Đức Ki-tô được gọi là « Adam mới », thì điều đó có nghĩa là một khởi đầu đích thực đã tới. Như vậy, cuộc khởi đầu trước đây phải hiểu là một mô hình khởi thảo về Đức Ki-tô, và chỉ sau khi có Ngài thì khởi thảo kia mới được rõ nghĩa. Vì vậy, ta có thể yên chí nói rằng, khuôn mẫu con người đã được cắt đo theo thân hình  Đức Giê-su, và con người được kêu gọi bước vào hợp nhất với Thiên Chúa – vì chính  Đức Giê-su chẳng phải chỉ là người, mà là Con Người Thiên Chúa.

Ta không nên hạn chế cái đặc thù của  Đức Giê-su vào trong từng lời nói hay từng việc làm của Ngài. Thập giá, với lối đón nhận và chịu đau đớn của Ngài, là một cái gì mới. Phục sinh là điều mới. Ngay việc sinh ra từ một trinh nữ cũng mới (cho dù có nhiều huyền thoại về chuyện đó). Sứ điệp yêu Chúa và yêu người như là toàn bộ giới răn, hay là Thánh Thể, qua đó Ngài cho biết việc sống lại của Ngài, đó là những cái mới lớn mà Ngài đã mang xuống trần. Tất cả đều phản chiếu cái mới lạ thường này: Thiên Chúa không ở đâu xa cả, Ngài không phải là một đấng nào đó không thể mường tượng được, nhưng Ngài ở bên ta, Ngài đã trở nên làm một với ta, đụng vào ta, đón nhận ta, cũng như ta đụng chạm được Ngài và có thể đón nhận Ngài.

Như thế, cái đặc thù đích thực của  Đức Giê-su chính là con người Ngài – đấng vừa là Chúa vừa là người.

Con người Thiên Chúa đó cũng đã nói : « Tôi đến để vứt lửa xuống trần gian. Tôi mừng nếu lửa đó bốc cháy ! » Và Ngài tiếp : “Anh chị em nghĩ là tôi đến để đem bình an ư ? Không, tôi không đem bình an, mà là chia rẽ ».

Đó là câu nói mạnh ghê gớm. Ngài dùng hình ảnh lửa, trước hết, để nói về cuộc khổ nạn của mình, cuộc khổ nạn vì lửa tình yêu ; đó là bụi gai mới, bốc cháy mà không rụi đi ; một thứ lửa có thể cho đi tiếp.

 Đức Giê-su không tới để giúp ta thoải mái, nhưng Ngài vứt lửa tình yêu bốc cháy của Thiên Chúa, của Thánh Thần xuống. Origenes đã ghi lại một câu không chính thức của  Đức Giê-su : « Ai tới gần tôi, là tới gần lửa ». Nghĩa là ai tới gần Ngài, phải sẵn sàng để cho mình bốc cháy. Ta nên đem những câu đó đặt ra cho Ki-tô giáo ngày nay, một Ki-tô giáo đã trở nên tầm thường, chẳng còn gì nói nữa, muốn tìm mọi cách để được an phận mà thôi. Ki-tô giáo là đạo lớn, bởi vì lửa của nó lớn. Nó đốt cháy, không phải để thiêu rụi, nhưng để làm cho mọi thứ trở nên sáng láng, tinh tuyền, giải thoát và lớn lao. Làm ki-tô hữu, do vậy, tức là dám tín thác vào lửa đó.

Cũng có một lời khác của  Đức Giê-su : « Tôi trao cho anh chị em bình an, tôi trao bình an của tôi cho anh chị em, tôi trao cho anh chị em không như thế gian trao ».

Hai câu trên phải đi đôi với nhau, mới có thể hiểu được ý nghĩa lời của Chúa. Đức Ki-tô là sứ giả của hoà bình. Tôi cho rằng câu này quan trọng hơn. Nhưng ta chỉ hiểu đúng hoà bình của Ngài mang đến, khi ta không coi nó tầm thường như việc bôi dầu cù là vào chỗ đau hay xí xoá cho qua chuyện trong những cuộc tranh cãi về chân lí.

Khi một chính quyền tìm cách tránh mọi xung đột và coi xung đột nào cũng có lí, hay khi mỗi cá nhân tìm cách tránh đụng chạm, thì mọi chuyện sẽ bế tắc. Nơi Giáo Hội cũng thế. Nếu nó chỉ tìm cách tránh xung đột, để đừng gây bất an ở đâu cả, thì sứ điệp phúc âm sẽ không thể nào đạt tới đích. Bởi vì sự có mặt của sứ điệp này cũng là để gây mâu thuẫn nơi ta, để lôi con người ra khỏi những dối trá và để tạo sáng tỏ, để tìm ra chân lí. Chân lí phải trả giá mắc. Nó đưa ra đòi hỏi, và cũng đốt cháy. Trong sứ điệp của  Đức Giê-su Ki-tô cũng gồm cả thách đố trong những tranh luận giữa ta với người chung quanh. Không phải chỉ việc dễ dãi quét lên một lớp sơn cho đức tin xơ cứng và tự cao của ta là được, nhưng phải có tranh luận mới có thể phá vỡ vỏ xơ cứng và đưa sự thật tới đích.

Như vậy hoà bình của  Đức Giê-su Ki-tô trước hết mang tính cách gây gỗ ?

Nó bắt ta đối diện với những dối trá của mình. Nó lôi ta ra khỏi sự thoải mái và đẩy ta vào cuộc chiến đấu, vào nỗi đau của chân lí. Chỉ như thế hoà bình giả, với bao nhiêu giả hình và mâu thuẫn hàm chứa trong nó, mới có thể thay thế được bằng hoà bình đích thực.

Câu nói về lửa đi liền với câu nói quan trọng hơn về hoà bình trên kia. Nhưng câu này đồng thời cho thấy hoà bình chân chính không phải tự nhiên mà có, rằng chân lí đi liền với đau khổ và tranh đấu, rằng tôi không được phép chấp nhận dối trá để được yên mình. Được yên ổn không phải nhiệm vụ đầu tiên của người công dân và của ki-tô hữu, nhưng là bảo vệ và tranh đấu cho cái lớn lao mà Đức Ki-tô đã ban tặng cho ta, với giá đau khổ và có thể đi đến chết vì đạo – và chính vì vậy nó mới tạo ra hoà bình.